Giảm nguy cơ tim mạch khi bị đái tháo đường

(Trương Minh Tuấn - Bến Tre)

Nhiều bằng chứng cho thấy sẽ giảm được sự khởi phát bệnh tim mạch và biến chứng của nó trên bệnh nhân đái tháo đường nếu kiểm soát tốt được hai nhóm nguy cơ chính: nhóm nguy cơ bệnh tim mạch (hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng LDL-C, rối loạn lipid máu và tăng glucose huyết) và nhóm nguy cơ tiềm ẩn (béo phì, ít hoạt động thể lực, dinh dưỡng không đúng). Các cơ chế rối loạn chuyển hóa, xơ hóa cơ tim, bệnh vi mạch máu, bệnh thần kinh tự động tim, kháng insulin nói lên rằng các điều trị đó có hiệu quả để bảo vệ và làm chậm khởi phát bệnh tim mạch trên bệnh nhân đái tháo đường.

Các bước làm giảm sinh bệnh xơ vữa động mạch gồm điều trị cơ bản bệnh mạch máu và phải bắt đầu giai đoạn sớm điều trị bệnh cơ tim đái tháo đường. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống phù hợp phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường là có chế độ ăn phù hợp cùng với hoạt động thể lực đều đặn và duy trì cân nặng lý tưởng.

Tập thể lực thường xuyên để cải thiện cân bằng glucose nội môi bằng cách giảm glucose máu và tăng nhạy cảm với insulin. Luyện tập thể thao giúp cải thiện cung lượng tim và ngăn cản tái cấu trúc trên đặc tính co bóp của tim nên sẽ cải thiện chức năng tim. Tập thể dục làm tăng gen GLUT4 cơ xương, cơ xương là hồ chứa GLUT4 có tác dụng hoạt hóa hoạt động của insulin. Điều này có lợi cho hoạt động chuyển hóa glucose và hoạt động của insulin nên sẽ cải thiện đường máu. Khi hoạt động thể lực đều đặn không có chống chỉ định thì hoạt động với cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày được khuyến cáo. Bệnh nhân cần thiết phải bỏ hẳn hút thuốc lá vì đây là yếu tố nguy cơ chính cho bệnh tim mạch.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ